Lịch sử hình thành và phát triển
Khởi nguồn từ bộ môn Nhiệt điện, thuộc khoa Điện, được thành lập vào tháng 8 năm 1960 với vẻn vẹn 6 cán bộ cơ hữu ban đầu và và ba gian nhà cấp bốn (dãy nhà 18), ngày nay Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh với quy mô đào tạo đại học khoảng 500 sinh viên (150 sinh viên/năm) đã có 4 bộ môn chuyên ngành, hai trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và một phòng thí nghiệm tập trung với tổng số lượng hơn 50 cán bộ cơ hữu, 20 cán bộ thỉnh giảng và 12 cán bộ hợp đồng. Hơn sáu mươi năm qua, theo đà xây dựng và phát triển không ngừng của Trường ĐHBK Hà Nội, Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh cũng đã liên tục phấn đấu và trưởng thành để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ năm 1958, ngành Nhiệt đã được phôi thai bởi việc thành lập bộ môn Nhiệt kỹ thuật đảm nhiệm các môn chuyên ngành nhưng không đào tạo kỹ sư, thuộc liên khoa Cơ - Điện. Bộ môn có 3 biên chế đầu tiên là thầy Bùi Doãn Tuất, về Trường năm 1957 sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý, đại học sư phạm, thầy Mai Văn Thận, cũng về Trường năm 1957 sau khi tốt nghiệp ngành ô tô ở Trung quốc và thầy Phạm Lê Dần về trường năm 1958 sau khi tốt nghiệp ngành Đầu máy xe lửa ở Trung quốc. Tuy nhiên chỉ đến năm 1960, khi có 3 kỹ sư Nhiệt tốt nghiệp từ trường Năng lượng Mátxcơva là các thầy Nguyễn Hoặc, Nguyễn Duy Quế và Phạm Lương Tuệ, kết hợp cùng với 3 thầy tách ra từ bộ môn Nhiệt kỹ thuật là Phạm Lê Dần, Nguyễn Văn Mẫn và Bùi Doãn Tuất, bộ môn Nhiệt Điện thuộc khoa Điện mới được thành lập với chức năng đào tạo kỹ sư chuyên ngành, đánh đấu sự ra đời của ngành Nhiệt - ĐHBK Hà Nội. Bộ môn Nhiệt kỹ thuật thời kỳ trước, được giải thể. Nhóm các thầy còn lại đã thành lập nên bộ môn Động cơ nhiệt thuộc khoa Cơ khí, sau này đổi tên thành bộ môn Động cơ đốt trong vào năm 1962. Từ tháng 10 năm 1960 bộ môn Nhiệt điện bắt đầu đào tạo lớp kỹ sư Nhiệt điện đầu tiên cho sinh viên khóa 2 của khoa Điện. Bên cạnh đó, bộ môn còn đảm nhiệm giảng dạy Nhiệt kỹ thuật cho toàn Trường. Kể từ đó lịch sử của ngành Nhiệt được chính thức khởi nguồn.
Do nhu cầu phát triển mới của nhà Trường và của Ngành, năm 1967, một nhóm các thầy lại được tách ra để thành lập bộ môn Nhiệt kỹ thuật. Nhóm các thầy còn lại vẫn tiếp tục duy trì và phát triển bộ môn Nhiệt điện với nhiệm vụ đào tạo kỹ sư nhiệt điện như ban đầu. Bộ môn Nhiệt kỹ thuật lúc đó, ngoài nhiệm vụ giảng dạy kỹ thuật Nhiệt đại cương cho toàn trường còn nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy phần cơ cở kỹ thuật nhiệt, bao gồm 2 môn là Nhiệt động và Truyền nhiệt cho riêng sinh viên ngành Nhiệt điện.
Ngày 5 tháng 9 năm 1974, bộ môn Đo lường và Tự động nhiệt được thành lập, cũng tách ra từ chính bộ môn Nhiệt điện, với nhiệm vụ phụ trách 2 môn học là Đo lường nhiệt và tự động hóa quá trình nhiệt và môn Nhà máy nhiệt điện và mạng nhiệt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 30 tháng 4 năm 1975, cả hai bộ môn Nhiệt điện và Nhiệt kỹ thuật đã cử nhiều cán bộ vào Nam để góp phần gây dựng ngành Nhiệt ở trường ĐHBK thành phố Hồ Chí Minh và ĐHBK Đà Nẵng. Đây cũng là mốc thời gian mà bộ môn Nhiệt kỹ thuật đảm nhiệm thêm nhiệm vụ đào tạo kỹ sư ngành Nhiệt công nghiệp (bắt đầu từ khóa K18) để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về sử dụng năng lượng nhiệt trong các ngành kinh tế quốc dân.
Tháng 2 năm 1983, bộ môn Lò công nghiệp thành lập năm 1966 thuộc khoa Luyện kim được sáp nhập với bộ môn Nhiệt kỹ thuật để hình thành nên bộ môn Cơ sở kỹ thuật nhiệt và Nhiệt công nghiệp, Đến tháng 3 năm 1984, ba bộ môn là Cơ sở kỹ thuật nhiệt và nhiệt công nghiệp, Nhiệt điện (đều thuộc khoa Điện) và Máy và tự động thủy khí (thuộc khoa Động lực) được sáp nhập để thành lập nên bộ môn Nhiệt thuộc khoa Điện, đến tháng 7 năm 1984 thuộc khoa Cơ khí – Năng lượng – Dệt. Đến tháng 10 năm 1984, bộ môn Cơ sở kỹ thuật Nhiệt và Nhiệt công nghiệp cũ (lúc này đang trong bộ môn Nhiệt thuộc khoa Điện) lại được tách ra để thành lập nên bộ môn Nhiệt công nghiệp.
Do nhu cầu đổi mới, từ năm 1987, trường ĐHBK Hà Nội chuyển sang mô hình quản lý 2 cấp (Trường – Khoa). Thời kỳ này, ngành Nhiệt được duy trì với 2 trong 29 khoa của toàn trường là khoa Máy lạnh và Thiết bị nhiệt, từ bộ môn Nhiệt công nghiệp và khoa Thiết bị năng lượng nhiệt, từ bộ môn Nhiệt điện.
Sau khi trở lại với mô hình quản lý 3 cấp (trường – Khoa – Bộ môn), ngành Nhiệt được duy trì với 2 bộ môn là Công nghệ Nhiệt, thuộc khoa Năng lượng và Máy lạnh và thiết bị Nhiệt (sau được đổi tên thành bộ môn kỹ thuật Nhiệt - Lạnh) thuộc khoa Cơ khí.
Để tập trung cán bộ và cơ sở vật chất ngành Nhiệt về một mối, trên cơ sở 2 bộ môn nói trên, thể theo nguyện vọng của tập thể cán bộ các Bộ môn và được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, ngày 10 tháng 10 năm 2000, Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh với tên giao dịch quốc tế là INSTITUTE OF HEAT ENGINNERING AND REFRIGERATION (viết tắt là IHERE) chính thức được thành lập theo quyết định số 4166/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến năm 2011, tên giao dịch quốc tế được đổi thành SCHOOL OF HEAT ENGINNERING AND REFRIGERATION (viết tắt là SHEER) Ngoài chức năng chuyên môn đào tạo, nghiên cứu khoa học như một khoa chuyên ngành, Viện còn có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu và mã số thuế độc lập. Qua đó, đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn xã hội thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ theo đúng chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Việc thành lập Viện đã chấm dứt tình trạng phân tán về tổ chức và lực lượng cán bộ ngành Nhiệt – Lạnh, giúp đưa năng lực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ngành Nhiệt lạnh ĐHBK Hà Nội lên một tầm cao mới. Những thành tựu đồng đều và cả ba mặt mà Viện Nhiệt – Lạnh đã đạt được từ khi thành lập đến nay đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn đó của lãnh đạo các cấp.
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng diễn ra sâu và rộng, để tiếp nối những thành tựu to lớn của các thế hệ thầy và trò ngành Nhiệt đi trước, Viện KH&CN luôn luôn phấn đấu, hoàn thiện để thích nghi và đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
(Trích: Kỷ yếu Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh, kỷ niệm 15 năm thành lập Viện và 55 năm thành lập Ngành, Hà Nội, tháng 10/2015)
Giới thiệu
Tin nổi bật
- Ban hành quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về Ứng phó với biến đổi...
- Năng lượng trong biến đổi khí hậu: Giải pháp cho Việt Nam ?
- Hợp tác thúc đẩy triển khai Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng...
- Ngành lạnh - Điều hòa không khí và công nghiệp 4.0
- SIEMENS hướng tới công nghệ thành phố thông minh - smart city